CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 21,1-4
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Kh 14,1-3.4-5
Đây là tuần cuối năm phụng vụ. Để cho các người bị bách hại lấy lại can đảm và hy vọng, qua sách Khải Huyền, Gioan làm cho họ thấy sự kết thúc lịch sử mục đích cuối cùng qua các biểu tượng linh động. Chúng ta đừng dừng lại nơi các biểu tượng, nhưng thử nhìn về nơi chúng ta hướng đến"... và nhờ các thử thách chóng qua soi sáng ngày HÔM NAY của Ta.
Tôi thấy con Chiên đứng trên núi Sion.
Tôi muốn chiêm ngắm Đức Kitô đứng trong vinh quang nước Trời. Đức Giêsu, Đấng đã kết thúc đời sống trần thế trong cảnh thất bại nhục nhã, như một tên tử tội, bị dân chúng xua đuổi, các bạn hữu ruồng bỏ... Đức Giêsu con chiên bị dẫn tới lò thịt, câm lặng trước các kẻ làm khổ mình "... thì Hôm NAY, được hạnh phúc, vinh hiển đứng thẳng người!
Đó là “Con chiên Vượt Qua”, tự hiến dâng mạng sống, phó trót thịt và máu : mỗi thánh lễ là một dấu chỉ cuộc hy sinh chính mình Người, vì thương yêu chúng ta.
Và tôi đã thấy cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi bốn ngàn người mang Danh của Con Chiên và Cha Con Chiên ghi trên trán.
144.000. Phải giữ nguyên con số ấy. Đó cũng là con số tượng trưng. Con số 12 là con số của dân Israel. 12 nhân cho 12 thành ra 144, con số ngàn chỉ là nhiều vô kể.
“ Tôi thấy 144.000 người chung quanh Con Chiên” nghĩa là "Tôi thấy Israel mới, dân Thiên Chúa, đông vô số kể". Cũng như người ta nói ngày nay: “Tôi thấy từng triệu triệu người Kitô hữu”.
Của lễ trên Canvariô, không còn bị bỏ quên trên núi Sọ cô liêu: Đức Giêsu bấy giờ được hàng triệu anh em bạn hữu "bao quanh”, mà tất cả họ đều mang Danh Người, đó là các "Kitô ", “các Kitô hữu”.
Tôi muốn nhìn ngắm chương trình của Thiên Chúa đã hoàn tất: Người người không xiết kể, được Con Chúa đưa vào gia đình riêng của Người, sống thân tình với Người... Một Thiên Chúa Cha, Đấng đã lấy tình thương vô cùng sinh ra muôn vàn con cái, được Cha yêu thương, “trán được đóng dấu” bằng tước vị cao quý vô cùng…
Lạy Chúa, con muốn ngẩng trán lên để danh Người được ghi dấu, đó là vinh dự cao quý nhất cho con, trong thân phận hạn hẹp nghèo hèn. Và trong thế gian, con muốn hành động làm sao để mỗi người anh em quanh con kính trọng, chức vị phi thường của con.
Và tôi nghe thấy tiếng như tiếng nước lũ, như tiếng sấm lớn... Tựa hồ tiếng những nhạc sĩ vừa gảy đàn vừa hát.
Các biểu tượng cứ chồng chất lên nhau, rời rạc, mâu thuẫn... nhưng không gì quan trọng: Điều mà ông Gioan muốn nói thì đã rõ ràng trong trí ông. Những người hội nhau quanh Đức Kitô không ở nhưng họ mở miệng ca hát, reo hò, nhảy múa, và tiếng họ như tiếng sấm sét ầm vang, và như tiếng đàn nhạc du dương.
Tôi muốn chiêm ngắm niềm “hoan lạc" của nhân loại được cứu chuộc hoàn hảo.
Không có ai nghe được bài hát này ngoài 144.000 người ấy là những người đã được chuộc về.
Lạy Chúa, con có được vào sổ các kẻ nghe và hiểu bài hát này không? Đối với những ai không có Đức tin, thì không hiểu và nghe được lịch sử nhân loại.
Có những người bịt tai để khỏi nghe bản nhạc Thiên Chúa trồi lên với nhân loại được cứu chuộc. Xin Người mở rộng tai họ.
Bài đọc II: Đn 1,1-6.8-20.
Đây là tuần cuối cùng trong "năm phụng vụ”. Hội thánh đề ra cho chúng ta những văn bản “cánh chung”, nghĩa là những bản văn gợi lên thời sau hết. Lịch sử nhân loại tiến tới một hoàn thành. Từ Chúa Giêsu khúc ngoặt lớn của lịch sử đã đến, và chúng ta ở vào “những thời sau hết" các sứ ngôn loan háo. Nhưng chúng ta: mong đợi sự tỏ hiện vĩnh viễn" của Nước Thiên Chúa.
Tuần này, chúng ta sắp đọc trang sách Daniel. Ông đã sống vào khoảng những năm 170 trước Chúa Giêsu Kitô. Palestina bị vua Antiôcô Êpiphanê chiếm đóng và cai trị, ông ta muốn áp đặt các thói tục Hy Lạp. Đây là thời của các vị tử tạo (ta nhớ lại sách Macabêô) sách Daniel được viết ra nhằm khích lệ các người chống đối giữ toàn vẹn Đức tin họ.
Bốn thiếu niên… Daniel, Annanias, Masael, Adarias.
Tác giả cuốn sách kể lại một câu chuyện giáo dục (vậy đây là một loại dụ ngôn) sắp đặt theo giả trang vào thời anh hùng bị lưu đày tại Balylon, và một thời khác với thời Dân Thiên Chúa phải đối đầu với các lương dân và bị bách hại.
Vậy… lần kia, ba thiếu niên bị cưỡng ép tới hoàng cung vua Nabukôđônôsor và nhà vua lương dân này muốn cải hóa theo cách sống lương dân...".
Và câu truyện tiếp diễn.
Lạy Chúa, cả con nữa, con phải sống trong bối cảnh lương dân. Con sống giữa những người không có Đức tin... hay, ít ra giữa những người mà Tin Mừng không phải (hoặc rất ít) là luật sống của họ : bất tín, vô thần, duy vật vây phủ con tư bề, và ảnh hưởng tới con dù con không muốn.
Lạy Chúa, con chấp nhận nhìn vào bối cảnh cuộc sống này. Không phải để xét đoán anh em con và kết án họ. Nhưng để xét mình xem con có trung thành với đức tin và mẫu sống Đức tin đòi hỏi không.
Họ dạy văn chương và ngôn ngữ Calđêa cho các cậu... vua qui định mọi ngày cho các cậu đồ ăn của vua ăn.
Ngẫu tượng giáo, quên Thiên Chúa thật, nên cụ thể đi tới những cách sống với đủ loại chi tiết nhỏ mọn rõ rệt không quan trọng gì.
Đâu là những chi tiết tôi bị cám dỗ chấp nhận, và HÔM NAY, vào thế kỷ XX, sẽ phải rơi vào tình trạng không tin?
Tôi không ngần ngại tìm trong những sự việc thông thường nhất : Các chi tiết phục sức, mua bán, tổ chức cuối tuần, thú vui chọn chương trình phát thanh... Chính trong tất cả những việc đó mà “sự trung thành với Chúa" của tôi được thể hiện. Ba thiếu niên đã chọn “từ chối” các thực phẩm của lương dân.
Sau mươi ngày, nét mặt bốn cậu trở nên xinh tươi béo tốt.
Qua tường thuật gợi hình này, Daniel cố trình bày điều sau đây là: Những người theo luật Chúa không đau yếu nữa. Dầu sao, sống như Kitô hữu chân chính với mọi đòi hỏi của Tin Mừng, điều đó không hề dẫn tới chỗ làm con người "bị giảm giá” hay “bất hạnh”, mà còn ngược lại. Ba thiếu niên, sống bằng rau và nước tươi mát thì "đẹp đẽ" và khỏe mạnh, và họ chấp nhận những từ bỏ vì Đức tin của họ.
Đây là một biểu tượng. Hùng hồn biết bao!
Đức tin không hề được tỏ lộ dưới mắt các lương dân là những người thấy chúng ta sống như hạn chế, “hạ giảm”, èo uột, buồn tẻ. Cốt yếu là cách sống theo Chúa Kitô " tỏ ra như triển nở: chính cách sống ấy kiến tạo cho con người đàn ông và đàn bà thành những người "thành công" nhất!
Lạy Chúa, con lợi dụng để hỏi mình xem con đã giới thiệu khuôn mặt nào cho những người quanh con? Con mặc cho tôn giáo của Chúa khuôn mặt nào? Những người xem con sống, họ nghĩ gì về Đức tin của con? Con có phải là một Kitô hữu hớn hở? Hay một Kitô hữu âu sầu.
BÀI TIN MỪNG: Lc 21,1-4
Chúng ta đã tới tuần cuối cùng của Năm Phụng vụ. Những trang sau hết mà ta sẽ đọc từ Tin Mừng theo Thánh Luca, phù hợp với những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, ngay trước khi người chịu khổ hình.
Càng tới gần cái chết, Đức Giêsu càng ý thức sâu sắc sự “kết thúc” thân phận con người của Người.
Bài diễn từ cuối cùng đầy long trọng, cũng đề cập đến sự “ kết thúc” thành Giêrusalem,và "chung cục" của thế giới... Đó là một tư tưởng tôi không thể lẫn tránh. Bởi vì chính tôi cũng sẽ đi tới đó.
Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ.
Trước khi người ta dập tắt tiếng nói vang của Người, tiếng nói giãi bầy những sự việc của Thiên Chúa”, Đức Giêsu vẫn nói, vẫn giảng dạy.
Sau khi đã nói nhiều trên đường đi, trong làng thôn, bên bờ nước trong các hội đường của tỉnh ly, này đây Người đang giảng dạy "trong Đền thờ”. Người không có phận vụ chính thức, không phải là tư tế đang phiên trực, cũng không là một “ tiến sĩ luật”. Người không có quyền bước vào gian thánh: Chỉ có Vị Thượng Tế mới được quyền tiến vào. Người không phát ngôn từ một địa vị của người giữ phần nghi lễ, trong khi thi hành phận sự chính Người là Con Thiên Chúa, là phát ngôn viên của Thiên Chúa, thế mà lại bằng lòng quy tụ chung quanh mình, như một diễn giả giản đơn bình thường, một số thính giả thích lắng nghe. Chắc chắn Người đã có thể chu toàn sứ vụ bên trong bức tường vây quanh Đền thờ và chi tiết này rất có ý nghĩa, nhưng lại ở giữa trời, trên sân của Đền thờ, hay dưới cạnh một cây cột .
Đức Giêsu giảng dạy tại một nơi mà mọi người có thể đón nhận.
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng.
“Đôi mắt" của Đức Giêsu. Tôi ngắm nhìn đôi mắt đó.
Tôi quan sát đôi mắt Chúa hoạt động ra sao.
Dưới hàng cột của Đền thờ, hành lang cột bằng đá cẩm thạch trang trí mặt tiền, có mười ba thùng đựng tiền hình phễu mở rộng, đối diện với phòng tài chính. Một tư tế trực ban đồng ở đó; kiểm soát tiền dâng cúng và ghi ý dâng mà người tín hữu nói với ông.
Đó là những gì Đức Giêsu đang quan sát.
Đức Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng cho Đền thờ. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ.
Hai “ lep-ta” ..hai “xu”… những đồng tiền nhỏ nhất còn hiện diện thời đó.
Tôi ngắm nhìn cử chỉ của những người giàu như Đức Giêsu Tôi ngắm nhìn cử chỉ của "bà góa", như Đức Giêsu.
Lạy Chúa, xin mở mắt con để con biết “nhìn” rõ hơn, sâu hơn.
Tôi lắng nghe tiếng đồng nhỏ, khiêm tốn và khó nghèo, mà những đồng tiền nhỏ bé gây ra khi rơi vào thùng, giữa những vật dâng to lớn đã hiện diện ở đó.
Người mới nói: Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia có tiền dư bạc thừa, mới đem bỏ vào mà dâng cúng, chứ bà này, tuy thật túng thiếu, đã bỏ vào đó tất cả những gì bà ta có để nuôi sống mình.
Cái nhìn của Thiên Chúa, cách đánh giá của Thiên Chúa... khác với cái nhìn thông thường của con người biết bao? Thiên Chúa nhìn khác chúng ta. Những người giàu tỏ ra có năng lực, dâng những lễ vật bề ngoài lớn hơn. Nhưng đối với Chúa Giêsu, người đàn bà nghèo khó đã bỏ “nhiều hơn”.
Chúng ta cần thay đổi cách nhìn để dần dần mặc lấy cái nhìn của Thiên Chúa!
“ Bà đã dâng tất cả những gì bà có để sống. Bà đã cho nếp sống bần cùng của mình".
Chớ gì lòng sùng mộ của các môn đệ Đức Giêsu đừng bao giờ đi tới những cử chủ bề ngoài, có ảnh khoe khoang; nhưng nhắm đến những gì nghèo khó, khiêm hạ, nhỏ bé. Chúng ta cần thay đổi tâm hồn mình biết bao!
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Hai đồng tiền nhỏ của bà góa.
HOÀN CẢNH:
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và các phe nhóm dân Do Thái, và Chúa khiển trách các luật sĩ hay bóc lột các bà góa.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện người đàn bà góa dâng cúng tiền vào đền thờ để trình bày về việc các thủ lãnh Do Thái sẽ bị tước hết quyền hành và đặc ân, và việc điều khiển dân Chúa sẽ trao cho các kẻ khó nghèo. Phần tìm hiểu xem lại Chúa Nhật 32 thường niên B.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :
1. Bài Tin Mừng hôm nay đề cao bà góa nghèo khó nhưng có tinh thần quảng đại vì bà đã cho đi của bà cần phải có để sông, đang khi những người giàu có chỉ cho đi của họ dư thừa. Bà góa ít của nhưng giàu lòng, còn những kẻ giàu có nhiều của lại keo kiệt, hẹp hòi, thiếu quảng đại. Xã hội cần những người giàu lòng hơn giàu của.
2. Thiên Chúa ít để ý đến giá trị của dâng bề ngoài cho bằng tấm lòng nhiệt thành quảng đại của người dâng: "thèm lòng chứ ai thèm thịt". "Cách cho quý hơn của cho". Ý tưởng này giúp chúng ta ý thức hơn về những công việc phục vụ tha nhân, cũng như những công việc từ thiện bác ái hay dâng cúng tiền của vật chất.
3. Tấm lòng của bà góa dành cho Chúa quá là lớn lao vì nó động chạm đến sự sống của bà, bà đã dâng cho Chúa không phải của dư thừa nhưng mà tất cả những gì bà có để sống. Tinh thần bác ái đích thực là biết chia sẻ cho tha nhân một phần sự sống, tức là những sự hy sinh của mình. cũng vậy, chúng ta tỏ lòng mến Chúa bằng cách tự nguyện dâng hiến cho Chúa điều mà chúng ta quyền được hưởng: sự khó nghèo, lòng thanh khiết và đức vâng lời…
4. Cái nhìn của Chúa và cái nhìn của con người khác nhau khi đánh giá việc làm của kẻ khác. Thiên Chúa nhìn giá trị đồng tiền của bà góa, nhưng con người lại nhìn giá trị ở hình thức bên ngoài của những người giàu có dâng cúng số tiền dư bạc thừa của họ.
5. Thiên Chúa chờ sự quảng đại của mỗi người chúng ta dâng cho Chúa một ít thời giờ trong cuộc sống vất vả. Một ít sức khỏe trong hoàn cảnh bệnh hoạn tật nguyền. Một ít tài năng trong cái bất tài của mình, một ít công việc trong hoàn cảnh nhiều công việc bề bộn… Vì Thiên Chúa cần tấm lòng hy sinh của ta hơn là của ta dâng cúng cho Người.